Thông tin việc làm trên các Báo Tuổi Trẻ, Báo Người Lao Động, Báo Thanh Niên...

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2009

Đường đến thành công của một Tỷ phú lớp 4

Đoàn viên Phùng Hoàng Giang ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang) mới học hết lớp 4, người đạt các danh hiệu Nhà nông trẻ xuất sắc, Tài năng trẻ Việt Nam. Từ ao nhà...

Nhìn trang trại nuôi ba ba dài, được chia thành các khu, diện tích hơn ba ngàn mét vuông, không thể hình dung cái ao nhỏ tẹo khi Giang khởi nghiệp.

Giang có sáu anh em, nhà nông đông con mà ruộng đất chỉ có năm công nên nghèo. Cũng vì nghèo, Giang là con đầu, học đến lớp 4 phải ở nhà phụ cha mẹ và làm thuê làm mướn.

Cũng không có nhiều việc để làm mướn làm thuê vì nông thôn việc ít người nhiều. Loay hoay ngồi quán cà phê, quán nhậu, thấy xung quanh chất nấm rơm, anh theo nghề bỏ meo nấm.

Một lần bỏ meo nấm cho gia đình có nuôi ba ba, Giang thích thú ngắm nghía những con ba ba mới nở. Gia chủ bảo: “Lấy không, tui bán rẻ cho?”. Giang vét tiền lời từ bỏ meo nấm, mua hai chục con.

Đó là năm 2004. Giang nhớ lại: “Cầm mấy con ba ba bé tẻo về không biết làm sao. Chợt nhớ trong xã có người nuôi ba ba, tui đào một cái ao bé tí sau nhà, thả mấy con ba ba xuống, ngày ngày… ngắm chơi”.

Nhưng từ đó anh bắt đầu để ý tới con ba ba. Ở đâu có người nuôi ba ba thành công là Giang tới học hỏi. Giang đi khắp gần xa, lên cả TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh…

Mấy con ba ba hình như không nỡ phụ việc ngắm của Giang nên lớn nhanh. Giang bán được món tiền lời đáng kể. Thấy ngon ăn, Giang mua cả trăm con về thả nuôi. Nhưng đợt này, Giang trắng tay.

Hết vốn vì ba ba, anh lại đi làm mướn nhưng không lúc nào không nghĩ đến con ba ba. Không nuôi được, Giang làm trung gian mua bán và bắt đầu có tiền lời. Song cái lời lớn hơn là Giang suốt ngày được lăn lóc ở những nơi nuôi và kinh doanh ba ba, có thêm nhiều kinh nghiệm.

Trở lại nghề nuôi ba ba lần này, Giang mua ba ba gần đẻ. Đào một công ruộng làm ao, xung quanh dựng tôn xi măng. Mua đầu, vỏ tôm cho ba ba ăn. Sau hơn một năm, anh lãi to.

Giang lại bàn với gia đình lấy thêm ruộng lúa nữa đào ao nuôi ba ba. Lần này, ngoài số ba ba thịt bán, anh để một ít nuôi làm ba ba bố mẹ. Vừa làm vừa để ý, Giang phát hiện ra cách cho ba ba đẻ hiệu quả.

Cặp theo ao nuôi là dãy nhà lợp tôn xi măng mát mẻ. Phía trong nhà xây từng ô như chuồng heo, nhưng nhỏ hơn và đặc biệt dưới nền đổ toàn cát. Từng ô có cửa đóng mở, phía trước có một lối nhỏ thông với ao bằng hai tấm xi măng cho ba ba bò lên. Giang cho biết: Đó là nhà cho ba ba đẻ và ấp.

Trang trại của Giang trở thành nơi cho tỉ lệ nở cao nhất vùng, chất lượng con giống tốt. Ba ba giống của Giang nức tiếng từ đó, không chỉ trong vùng mà ra cả miền Đông Nam Bộ, miền Bắc…

Làm sao vận chuyển ba ba cho bạn hàng ở TPHCM Hà Nội và thu tiền như thế nào? Giang cười tươi: “Gần thì đóng hộp xốp gửi xe đò, xa thì gửi máy bay. Còn tiền bạc, khi nhận được hàng là người ta gửi vào tài khoản cho tui, nhiều bạn hàng chuyển tiền khi đặt hàng”.

Anh được cử đi dự đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất do T.Ư Đoàn tổ chức tại Hà Nội ngày 13/9. Hiện anh là đoàn viên của Chi đoàn ấp Long Hòa B, làm tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ba ba, với tám thanh niên trong ấp. Các thanh niên đều có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.

Không thể mở rộng thêm đất nhà để nuôi ba ba, Giang được mấy anh ở Tỉnh Đoàn Hậu Giang cùng dự tính làm một dự án nuôi ba ba nơi khác.

Trang trại ba ba của Giang hiện nay rộng hơn 3.000m2, có 40.000 con ba ba thịt, ba ba giống các loại. Giá bán hiện nay, 4.000 - 10.000đồng/con ba ba giống, 120.000đồng - 260.000đồng/kg ba ba thịt. Chỉ tính giá trị ba ba, anh có trên một tỷ đồng. Nhưng giá trị lớn nhất của Giang là kỹ thuật nuôi, sự đồng lòng với nhiều thanh niên ở địa phương và bạn hàng ở cả nước.
( Theo TPO )

Đúng là có chí là thành công! Có gan là làm giàu! Phải không các bạn?
->Đọc tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những nguyên tắc thành công