Thông tin việc làm trên các Báo Tuổi Trẻ, Báo Người Lao Động, Báo Thanh Niên...

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Đại học có phải con đường duy nhất?

Rất nhiều người biết rằng còn rất nhiều con đường khác để vào đời, nhưng rồi chẳng ai dám tự tin đi những con đường khác.

Có rất nhiều bạn bè tôi quen đã luôn trăn trở rằng "Làm sao để vào được đại học". Rất nhiều người trong số đó biết rằng còn rất nhiều con đường khác để vào đời, nhưng rồi chẳng ai dám tự tin đi những con đường khác, tất cả đều đổ dồn vào một con đường duy nhất: học để vào đại học!

Vì sao phải vào đại học?
Trả lời câu này, có lẽ có rất nhiều lý do. Nhưng cái lý do chính là vì "Phải thế, phải vào đại học thì sau này mới có tương lai".

Thật ra, có rất nhiều người thành công không từ con đường đại học. Đại học, chỉ là một bước đệm cho ta đi lên trên nấc thang thành công của cuộc sống. Nhưng vì lối quan niệm như thế, rất nhiều bạn trẻ đã làm đủ mọi cách, học đủ mọi nơi để tìm cách có chân trong giảng đường đại học.

Dạo một vòng quanh Yahoo !360 trong những mùa ôn thi như tháng này, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những câu than thở đầy tuyệt vọng: "Bài nhiều quá, phải cố lên, cố lên.." hay "Làm sao để vào được đại học..".

Với những bạn có học lực khá giỏi, có lẽ việc đậu vào một trường đại học không có gì khó, nhưng đối với những học sinh trung bình, thì đó quả thật là một vấn đề!

Tuy nhiên, dù biết rằng mình không hề có đủ khả năng để thi vào đại học, nhưng các bạn ấy vẫn cứ nhắm mắt đưa chân chọn con đường này. Bởi vì, những bạn ấy không đủ can đảm bước đi một con đường khác.

Bạn M.N (THPT Phan Đăng Lưu) đã tâm sự: "Dù biết là có rất nhiều con đường để đến thành công nhưng điều đó chỉ chiếm phần trăm rất nhỏ và mình không phải là đứa có thể làm được kỳ tích đấy, thôi thì chỉ biết cố gắng thi vào đại học!"

Quan niệm của N cũng là quan niệm của rất nhiều teen 12. Không đủ tự tin, không đủ nghị lực để bước đi những con đừơng dành cho mình, đó là những sai lầm mà nhiều teen đang mắc phải.

Không chỉ bị tác động bởi quan niệm xã hội, mà còn từ quan niệm và áp lực của chính gia đình.

B.C (THPT Thanh Đa) nói: "Chị mình học rất giỏi, đậu vào một trường đại học loại top. Bây giờ đến lượt mình, ba mẹ cũng trông chờ mình y như thế. Ba mẹ luôn bảo rằng: "Lúc nào ba mẹ cũng tin tưởng ở con". Nhưng thà không phải là như thế còn sướng hơn, chả lẽ được ba mẹ đặt niềm tin mà mình lại làm họ thất vọng?. Mình không muốn thế. Chị mình bảo luôn phải khắt khe với chính mình thì mới thành công được, nhưng nhiều lúc mình không thể, mình cho phép dễ dãi với chính mình, để rồi thấy tiếc thời gian mình đã bỏ phí. Làm thế nào để khắt khe với chính mình?

Sợ bị chê cười, sợ làm cho người thân thất vọng. Những suy nghĩ trên đã khiến không ít teen liều mình "thi đại cho rồi, thi một năm, hai năm rồi cũng phải đậu thôi" - đó là suy nghĩ của bạn T.H (trường NTD).

Thậm chí, cái mác "đại học" còn ám ảnh nhiều bạn đến mức đã đậu vào một trường cao đẳng hoặc trung học chuyên nghiệp, năm sau vẫn khăn gói đi thi đại học. Bởi vì "Nghe người ta hỏi mình học cái gì, mở miệng ra nói trung học chuyên nghiệp/cao đẳng thấy nhục nhã lắm. Mà người ta cũng khinh mình hay sao ấy, không chịu được" - M.T (Cao đẳng công nghệ dệt may) nói.

Quả thật vậy, vì xã hội quan niệm "đại học là hàng đầu" nên rất nhiều bạn trẻ có cái nhìn khinh thường đối với những văn bằng thấp hơn đại học. Nhưng liệu các bạn có biết, cái giá trị của thành công là những gì ta đạt được, không phải là từ những gì ta làm? Dù bạn học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hay thậm chí là chẳng học gì sau 12 năm phổ thông đi chăng nữa, thì chỉ cần bạn có tinh thần học hỏi, có ý chí cầu tiến và có quyết tâm làm đến cùng, thì bạn sẽ thành công.

Hãy suy nghĩ lại, hãy chọn và đi con đường dành cho mình, đừng gồng mình chạy theo người khác để cảm thấy mệt mỏi, bạn nhé!
Nguồn baihocthanhcong.com
->Đọc tiếp...

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Hòa nhập thành công vào môi trường làm việc mới

Trong bài “Bạn biết gì về môi trường làm việc?”, Vietnamskills đã giới thiệu về hai môi trường phổ biến hiện nay: công ty nước ngoài và công ty trong nước. Ngoài ra, còn những môi trường đặc trưng khác như cơ quan nhà nước, môi trường theo tính chất, quy mô của công ty – công ty nhỏ hay lớn sẽ có môi trường khác, công ty quảng cáo thì luôn có một môi trường năng động và sáng tạo, công ty chứng khoán có môi trường làm việc bận rộn và chuyên nghiệp …

Để tiếp nhận công việc tại cơ quan mới, ngoài kỹ năng, trình độ chuyên môn, các nhân viên mới còn phải học cách thích nghi và quen dần trong môi trường vốn hoàn toàn xa lạ. Hòa nhập vào môi trường làm việc mới là bước khởi đầu quan trọng cho sự nghiệp của bạn.

Môi trường công ty nhỏ - “đại gia đình”

Với dạng môi trường này, bạn không cần phải cố gắng gì nhiều ngoài thái độ thân thiện với đồng nghiệp và tiếp nhận công việc nghiêm túc. Công ty nhỏ là môi trường lý tưởng cho những người vừa bắt đầu sự nghiệp, nó không đòi hỏi bạn phải là một thiên tài hay ngôi sao sáng, không đòi hỏi bạn phải quá chuyên nghiệp hay có kinh nghiệm… Công ty nhỏ thường có không khí như một đại gia đình với lối sinh hoạt đơn giản, bạn hãy tìm cho mình một vị trí phù hợp trong đại gia đình ấy, tuân thủ những quy tắc riêng của gia đình và làm việc tốt để giúp cho gia đình ngày càng lớn mạnh. Chỉ cần đáp ứng được những yêu cầu ấy, bạn sẽ thành công hòa nhập vào môi trường mới.

Môi trường công ty lớn – “khu phố văn hóa”
Sẽ không đơn giản như với công ty nhỏ. Môi trường công ty lớn với đội ngũ nhân viên đông đảo và tính chuyên nghiệp cao sẽ đòi hỏi bạn phải bỏ công sức nhiều để thích nghi, hòa nhập với tập thể. Ở môi trường này, bạn sẽ có cơ hội làm bạn với nhiều đồng nghiệp mới và tạo dựng được nhiều mối quan hệ mới. Nhưng, bạn sẽ không được sếp tin tưởng, đồng nghiệp yêu quý nếu cứ sống với những nguyên tắc riêng của mình.

Công ty lớn không còn là một gia đình, mà bạn có thể hình dung như là một “khu phố văn hóa” với nhiều bộ phận khác nhau. Mỗi công ty có một thái độ - quan niệm làm việc và sinh hoạt riêng, văn hóa công ty không chỉ đơn giản là nội quy mà còn là hành vi, cách nghĩ… của mỗi thành viên công sở, đòi hỏi bạn phải tuân thủ theo. Việc thích nghi, làm quen với môi trường làm việc mới có suôn sẻ hay không tùy thuộc vào cách tiếp nhận và thái độ trong việc nói năng, cư xử của bạn. Một nhân viên tốt không chỉ cần sự thông minh, giỏi giang mà còn cần cả sự hòa đồng, sự hợp tác với những nội quy, và môi trường làm việc của công ty đó.

Một số bí quyết để hòa nhập vào môi trường mới

1.Trang phục & giờ giấc: Trong những ngày đầu làm việc, bạn sẽ rất bỡ ngỡ với công việc mới, đồng nghiệp mới, sếp mới… Điều đầu tiên bạn cần làm là chọn một bộ quần áo phù hợp với tính chất công việc của mình. Một nhân viên marketing gặp gỡ giao tiếp nhiều hẳn nhiên phải ăn mặc lịch sự hơn nhân viên IT cả ngày cặm cụi với máy vi tính. Chú ý về giờ giấc, hãy vào công ty sớm một chút và ra về trễ một chút căn cứ theo quy định giờ làm việc của cơ quan, nhằm tạo ấn tượng tốt với sếp và đồng nghiệp.
2.Quan sát, lắng nghe và đặt câu hỏi: Bạn sẽ được đồng nghiệp chỉ bảo, hướng dẫn về nội quy của công ty cũng như cách thức làm việc, nhưng cũng chỉ có mức độ. Chính bạn phải tự tìm hiểu, tự khám phá để làm quen và thích nghi với nơi làm việc mới này. Hãy quan sát nếp làm việc & sinh hoạt của phòng/nhóm bạn, từ giờ giấc, tác phong làm việc, thái độ đối với sếp, đồng nghiệp và những nội quy, quy chế, từ việc tiết kiệm, dọn dẹp phòng làm việc hàng ngày… Nếu có thắc mắc gì, đừng ngại đặt câu hỏi và ghi lại thông tin để hiểu rõ vấn đề, tránh biến mình thành kẻ không giống ai khi làm việc gì đó không phù hợp.
3.Cư xử với đồng nghiệp: Rõ ràng ai cũng biết là phải thân thiện vói đồng nghiệp, nhưng thân thiện quá cũng không phải là điều hay, bởi đôi khi sự hồ hởi quá mức sẽ khiến đồng nghiệp mới của bạn nghi ngại. Có thể họ chưa tỏ ra thái độ vì ngại ngùng hay nể nang nhưng nếu bạn cứ một mực tỏ ra gần gũi và lắm chuyện thì sẽ gây cho họ sự bực tức, khó chịu. Vì vậy, hãy thân thiện một cách vừa phải, có chừng mực. Nếu có người tỏ ra không thích bạn, hãy bình tĩnh, giữ thái độ thân thiện và tập trung vào công việc của mình. Ngoài ra, đừng tỏ ra mình giỏi giang hơn người trước mặt đồng nghiệp, dù bạn có giỏi thật đi nữa. Khiêm tốn luôn là thái độ cần thiết trong bất kỳ môi trường làm việc nào.
4.Tuân thủ nội quy chung: Cần tôn trọng và chấp hành nội quy về giờ giấc, cung cách làm việc hoặc nơi uống nước, để cốc chén, giữ trật tự trong giờ ăn trưa, không ăn quà vặt, trong giờ làm việc, không hút thuốc trong phòng máy lạnh... Mỗi công ty đều đặt ra những quy tắc mà bạn buộc phải tuân theo. Bên cạnh đó, bạn cần tuân thủ những quy tắc ngầm như không cười nói ầm ĩ, không nói chuyện điện thoại to, không bật nhạc lớn… Không nên coi công ty là "nhà riêng" có thể làm bất cứ điều gì theo ý thích.
5.Tham gia vào công việc chung: Đừng khởi đầu tuần làm việc đầu tiên chỉ bằng việc làm quen với đồng nghiệp hay rót nước pha trà cho sếp. Hãy tìm cách tham gia vào công việc chung. Nếu sếp chưa giao việc, hãy đề nghị sếp giao cho mình một công việc thích hợp, vừa tầm để chứng tỏ khả năng của mình. Bạn cũng có thể xin gia nhập vào dự án chung của phòng/nhóm, qua đó, bạn vừa có thể bắt tay làm việc, vừa có cơ hội hòa nhập tốt hơn vào hệ thống chung của công ty.
Điều cuối cùng, đừng quá căng thẳng lo lắng về việc phải thích nghi, hòa nhập một cách hoàn hảo. Bạn là người mới, bạn sẽ mắc phải một số lỗi nhỏ, đấy là điều bình thường, hãy thả lỏng bản thân. Việc thích nghi, hòa nhập vào môi trưởng mới là không đơn giản, tuy nhiên, thời gian, trí thông minh cũng như khả năng chuyên môn của bạn sẽ giúp bạn làm tốt bước khởi đầu này.
Chúc bạn có được một công việc như ý, một môi trường làm việc lý tưởng!
->Đọc tiếp...

Bạn biết gì về môi trường làm việc?

Bạn thích một môi trường làm việc như thế nào? Làm cho công ty nước ngoài hay trong nước, tư nhân hay nhà nước, công ty lớn hay nhỏ?

Mỗi môi trường đều có những mặt mạnh và yếu khác nhau, tùy theo khả năng, cá tính, cách sống và làm việc của bản thân, chúng ta có thể chọn cho mình một môi trường phù hợp nhất. Với chuyên đề này, VietnamSkills.com muốn đem đến cho những người đọc đang khởi đầu sự nghiệp những thông tin cần thiết để các bạn có thể đưa ra sự lựa chọn tối ưu cho tương lai của mình.

Công ty nước ngoài – chuyên nghiệp & thu nhập cao?
Quả không sai, làm việc ở công ty nước ngoài có những điểm thuận lợi lớn như tác phong làm việc chuyên nghiệp, có nhiều cơ hội thăng tiến. Đặc biệt, môi trường làm việc giúp nhân viên trau dồi ngoại ngữ và khả năng giao tiếp, cũng như học được rất nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích cho nghề nghiệp. Đây là điều mà bất kỳ bạn trẻ nào vừa mới ra trường cũng ao ước.

Một môi trường làm việc được xem là lý tưởng nếu đáp ứng ba yếu tố chính: quan hệ giữa sếp - nhân viên và đồng nghiệp thân thiện; mức thu nhập tương ứng năng lực; có cơ hội học hỏi và phát triển. Các công ty nước ngoài thường bảo đảm ba tiêu chí trên, tạo ra môi trường tốt để giữ nhân viên và thu hút nhân tài. Chính vì vậy, nhiều bạn trẻ thích chọn làm việc tại các công ty nước ngoài bởi sự cạnh tranh dù "khốc liệt" nhưng lại công bằng và dựa trên năng lực mỗi người.

Tuy nhiên, song song với đãi ngộ cao, đòi hỏi tuyển dụng của các công ty nước ngoài cũng rất gắt gao: Nhân viên phải có trình độ ngoại ngữ khá, có kinh nghiệm và giỏi chuyên môn, nếu là sinh viên mới ra trương thì phải có tấm bằng xuất sắc, có kỹ năng quản lý, giao tiếp tốt, có năng lực làm việc đội nhóm, chịu được áp lực công việc cao... Trong quá trình làm việc, bạn phải chịu đựng áp lực công việc cực kỳ nặng nề cũng như sự cạnh tranh quyết liệt giữa những người giỏi. Một thực tế là không ít bạn trẻ đã phải rời khỏi công ty trong mơ sau vài tháng vì không chịu nổi áp lực công việc quá lớn.

Bên cạnh đó, ngoại trừ số ít công ty quốc tế, tập đoàn đa quốc gia… thì không phải công ty nước ngoài nào cũng hoạt động chuyên nghiệp. Như một cô bạn tên Hương làm ở một công ty Hàn Quốc kể rằng, công việc của cô là thư ký giám đốc kiêm kế toán, kiêm nhân sự (!), ngày nào cũng làm đến kiệt sức mà vẫn không hết việc, trong khi mức lương lại không tương xứng, thế nên cô đành ra đi. Trên thực tế, không ít công ty nước ngoài nhỏ lẻ có đường lối hoạt động không rõ ràng, quản lý công việc rất mù mờ khiến nhân viên cảm thấy hoang mang, thiếu niềm tin để làm việc lâu dài.

Công ty trong nước – không thiếu cơ hội!

Đối với nhiều bạn trẻ, ấn tượng đầu tiên về công ty trong nước có lẽ là lương không cao, tác phong không chuyên nghiệp (như công ty nước ngoài). Đúng là đã có một thời, công ty trong nước đồng nghĩa với không ổn định, làm ăn chụp giật, thiếu tầm nhìn xa, càch quản lý cũ kỹ, lỏng lẻo… Tuy nhiên sau quá trình hơn 10 năm đón nhận, học hỏi và cạnh tranh cùng các công ty đa quốc gia đã và đang “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam, nhiều tên tuổi công ty trong nước đã dần trở nên lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh tay đôi với nhiều công ty nước ngoài, nhất là trong ngành PR/Quảng cáo. Khá nhiều nhân viên của các tập đoàn đa quốc gia rút ra mở công ty riêng sau vài năm “rèn luyện” trong môi trường nước ngoài, đem kỹ năng quốc tế trở thành “của chung”…

Như thế có nghĩa là, phương cách hoạt động, môi trường làm việc của nhiều công ty trong nước có những thay đổi đáng kể, tiến bộ không kém gì “hàng ngoại”, mức đãi ngộ dành cho nhân viên cao hơn, xứng đáng với năng lực của mỗi cá nhân. Đặc biệt, đường lối quản lý – vốn là điểm yếu “chết người” của nhiều công ty trong nước – đã có những cải tiến lớn nhờ áp dụng linh hoạt cách quản lý của các tập đoàn đa quốc gia có thay đổi và sửa chữa, không quá cứng nhắc mà có điều tiết linh động theo văn hóa Việt.

Ở những công ty trong nước có tầm vóc lớn, cơ hội thăng tiến trở nên rộng rãi, và với trình độ tương đương, thay vì chỉ làm nhân viên bình thường ở một công ty nước ngoài, bạn lại có cơ hội làm sếp ở công ty trong nước. Ngược lại, với bản lý lịch từng có kinh nghiệm làm việc tốt ở một công ty trong nước, bạn thể thể tìm được một vị trí hấp dẫn ở một tập đoàn đa quốc gia nào đó…

***
Hiện tại, tuy vẫn còn sự chênh lệch về cách quản lý, môi trường làm việc cũng như mức đãi ngộ, tuy nhiên khoảng cách giữa công ty nước ngoài và trong nước đã xích lại rất gần nhau. Chọn làm việc ở công ty trong nước hay nước ngoài không còn là điều khiến bạn băn khoăn, mà quan trọng là làm sao chọn được môi trường làm việc phù hợp với năng lực, vui vẻ, sáng tạo, mọi người cùng chung một mục đích... Vì thế, trong kỳ tới, VietnamSkills.com sẽ bàn luận cùng các bạn về việc làm sao để thích ứng và hòa nhập trong những môi trường làm việc khác nhau. Hãy đón xem nhé!
->Đọc tiếp...

Những nguyên tắc thành công